Thái Lan ban hành bộ tiêu chí "4 không", khử trùng nhà máy và đẩy mạnh ngoại giao nên sầu riêng của nước này được Trung Quốc thông quan 24/7.
Từ đầu năm nay, Trung Quốc siết chặt kiểm tra 100% lô sầu riêng nhập khẩu, thay vì chỉ kiểm tra ngẫu nhiên 10-20% như trước. Tuy nhiên, trong khi Việt Nam vẫn loay hoay xử lý các cảnh báo kỹ thuật, Thái Lan đã nhanh chóng đáp ứng yêu cầu và được Trung Quốc "bật đèn xanh", vươn lên dẫn đầu xuất khẩu sầu riêng vào thị trường tỷ dân.
Trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 35.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc, thu về khoảng 120-130 triệu USD. Ngược lại, Thái Lan xuất khẩu tới 71.000 tấn, đạt 287 triệu USD, gấp đôi về sản lượng lẫn kim ngạch của Việt Nam.
Theo Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế Thái Lan, ngày 28 và 29/4, có 6 container sầu riêng nước này (96 tấn, trị giá 4,2 triệu NDT) lần đầu được vận chuyển qua Việt Nam để thông quan tại cửa khẩu Long Bang (Quảng Tây, Trung Quốc).
Long Bang là cửa khẩu đường bộ, đối diện cửa khẩu Trùng Khánh (Cao Bằng, Việt Nam). Hàng Thái đi đường bộ qua Việt Nam để xuất sang Trung Quốc qua Long Bang vì đây là tuyến gần nhất, tiết kiệm chi phí và thông quan nhanh, đặc biệt thuận lợi để vào miền Nam Trung Quốc.
Theo đó, cửa khẩu này đã mở làn xanh riêng, kéo dài giờ làm và bố trí nhân lực túc trực 24/7, giúp hàng Thái được rút ngắn thời gian thông quan. Long Bang là một trong năm cửa khẩu quan trọng của Quảng Tây, chuyên nhập nông sản và từng ký nghị định đơn giản hóa kiểm dịch trái cây với Thái Lan từ năm 2021. Sau lô sầu riêng này, Long Bang trở thành cảng thứ 6 ở Quảng Tây được phép nhập khẩu trái cây Thái.
Thành công này đến từ việc Thái Lan chủ động ứng phó khi Trung Quốc áp dụng tiêu chuẩn mới về dư lượng Cadimi và chất vàng O (Basic Yellow 2, BY2) – các chất có thể gây ung thư. Ngay trong tháng 1, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đã tổ chức họp khẩn, ban hành bộ tiêu chí "4 không": không sầu riêng non, không sâu, không giả, không phẩm màu và chất cấm.
Hải quan Trung Quốc kiểm tra sầu riêng nhập khẩu. Ảnh: Xinhua
Các nhà máy đóng gói của Thái Lan cũng đồng loạt được kiểm tra và khử trùng, đặc biệt rà soát kỹ chất vàng O. Mọi cơ sở vi phạm đều bị rút giấy phép ngay. Ngoài ra, gần 300 phòng kiểm định địa phương đóng vai trò như các "nhà môi giới" kỹ thuật, trực tiếp xuống tận vườn để xác nhận chất lượng trước khi chủ vườn được phép bán sầu riêng cho thương lái. Sau đó, hàng hóa còn phải trải qua lần kiểm định thứ hai tại phòng xét nghiệm đạt chuẩn Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) trước khi đóng gói.
Đến tháng 4, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan cho biết Trung Quốc đã công nhận 10 trung tâm xét nghiệm Cadimi và BY2 đạt chuẩn, giúp đẩy nhanh thông quan và tạo lợi thế cho Thái Lan đúng vào mùa thu hoạch rộ.
Trước đó, trong tháng 2, Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan, bà Narumon Pinyosinwat đã tháp tùng Thủ tướng nước này sang thăm Trung Quốc, trực tiếp thúc đẩy mở cửa nông sản, trong đó có sầu riêng. Đây được xem là bước đi ngoại giao quan trọng để tạo niềm tin và sự hỗ trợ chính thức từ GACC.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết mỗi ngày Thái Lan có khoảng 500 container sầu riêng, tương đương 10.000 tấn, đi qua cửa khẩu Trung Quốc với tỷ lệ lô hàng bị trả về rất thấp. Ngược lại, sầu riêng Việt gom hàng từ nhiều vườn, khó kiểm soát dư lượng hóa chất đồng đều, nên thường xuyên gặp cảnh báo kỹ thuật và bị tạm dừng thông quan.
"Thái Lan kiểm soát rất sát sao từ vườn đến kho, nên Trung Quốc yên tâm và mở luồng xanh. Còn Việt Nam chỉ truy xuất đến cơ sở đóng gói thì chưa đủ," ông Nguyên nói.
Không chỉ dừng lại ở kỹ thuật, Thái Lan còn phối hợp bài bản giữa các bộ ngành. Khi Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã đàm phán kỹ thuật xong, Bộ Thương mại nước họ nhanh chóng tổ chức hội chợ, bán hàng trực tuyến cùng các ngôi sao Trung Quốc, tạo hiệu ứng tiêu dùng mạnh mẽ.
"Sầu riêng miền Đông Việt Nam sắp vào vụ, tiếp đến là Tây Nguyên. Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ mất thêm thị phần vào tay Thái Lan", ông Nguyên cảnh báo.
Từ thực tế trên, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy yêu cầu các đơn vị thuộc bộ phối hợp chặt chẽ với Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ các rào cản kỹ thuật đang cản trở dòng chảy xuất khẩu. Đồng thời, ông nhấn mạnh việc đẩy nhanh cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và các phòng thí nghiệm phục vụ xuất khẩu là nhiệm vụ cấp thiết. Một quy trình kiểm dịch thực vật riêng cho sầu riêng cũng sẽ sớm được ban hành, làm cơ sở để đánh giá lại khả năng xuất khẩu trong năm 2025 và điều chỉnh kế hoạch phù hợp hơn với thực tiễn.
Về lâu dài, Bộ trưởng yêu cầu hoàn thiện pháp luật liên quan đến xuất khẩu nông sản, có quy định rõ hơn về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, kiểm nghiệm và giám định. Bộ cũng đặt mục tiêu chuẩn hóa quy trình kỹ thuật từ sản xuất đến xuất khẩu; tái cơ cấu ngành sầu riêng theo hướng bền vững, thúc đẩy phát triển sản phẩm chế biến sâu như sầu riêng đông lạnh để tăng giá trị và giảm phụ thuộc vào thị trường tươi.
Để hiện thực hóa định hướng này, Bộ đang triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng thông tư hướng dẫn cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và thiết lập chương trình kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm cho sầu riêng xuất khẩu. Bộ trưởng đề nghị các cơ quan chuyên môn đồng hành cùng doanh nghiệp, địa phương để nâng cao giá trị và từng bước xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên bản đồ nông sản thế giới.
Thi Hà
Thông báo chính thức: Tinmoi24h.org không hợp tác với bất kỳ bên thứ ba nào để cung cấp dịch vụ nội dung hoặc bán sản phẩm liên quan đến tin tức. Mọi thông tin chính thức chỉ được phát hành qua các kênh chính thức của chúng tôi, bao gồm website tinmoi24h.org và các tài khoản mạng xã hội được xác nhận.
Chúng tôi chỉ hỗ trợ và đảm bảo chất lượng cho những người dùng truy cập trực tiếp qua các nền tảng chính chủ. Chất lượng đi đôi với uy tín, vì vậy quý độc giả hãy cân nhắc kỹ, tránh sử dụng các nguồn tin không rõ ràng hoặc không được hỗ trợ chính thức từ chúng tôi. Xin cảm ơn!